kinh nghiệm du lịch Archives - Góc Cạnh https://goccanh.com/tag/kinh-nghiem-du-lich/ [ - Góc nhỏ tĩnh lặng ~ Bởi cuộc đời dài rộng lắm, yêu thương lại rất gần - ] Sat, 22 Jan 2022 08:49:33 +0000 en-US hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.5.3 https://i0.wp.com/goccanh.com/wp-content/uploads/2021/01/image-1.jpg?fit=32%2C32&ssl=1 kinh nghiệm du lịch Archives - Góc Cạnh https://goccanh.com/tag/kinh-nghiem-du-lich/ 32 32 187908604 Du lịch – Về Jeonju sống chậm https://goccanh.com/du-lich-ve-jeonju-song-cham/?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=du-lich-ve-jeonju-song-cham Fri, 07 Oct 2016 19:22:02 +0000 http://nahoblog.com/?p=629 Sau những ngày rong ruổi trên các con phố nhộn nhịp và tấp nập ở thủ đô, tôi lên đường “về quê”, xuôi xuống phía Nam đến thành phố Jeonju, nơi hiện nay vẫn còn lưu giữ mấy trăm mái nhà gỗ cổ. Thành phố này hình như không nổi tiếng chút nào với du […]

The post Du lịch – Về Jeonju sống chậm appeared first on Góc Cạnh.

]]>
Sau những ngày rong ruổi trên các con phố nhộn nhịp và tấp nập ở thủ đô, tôi lên đường “về quê”, xuôi xuống phía Nam đến thành phố Jeonju, nơi hiện nay vẫn còn lưu giữ mấy trăm mái nhà gỗ cổ. Thành phố này hình như không nổi tiếng chút nào với du khách Thế giới nhưng lại rất được dân Hàn ưa chuộng. Du khách đến đây có thể thoải mái đi lại trên đường với những bộ hanbok điệu đàng, hay chỉ đơn giản là ngồi nhâm nhi tách trà truyền thống trên tầng cao nhất của quán nào đó, ngắm nhìn mọi thứ chậm rãi trôi qua trước mắt.

Ảnh: Joenju (GG)

Tôi đến bến xe thành phố đã đầu giờ chiều. Mặc dù cuối tháng 9 nhưng lá cây hai bên đường mới chớm ngả vàng, trời vẫn còn nắng nóng, mãi đến tối mới bắt đầu se lạnh. Ấn tượng ban đầu của tôi là thành phố cổ chi mà xấu hoắc, toàn nhà cao tầng, xe cộ vẫn lao vun vút trên đường, chẳng khác mấy so với Seoul. Chỉ đến khi xe bắt đầu rẽ vào khu làng cổ Hanok, mọi thứ mới bắt đầu hiện lên, như một bức tranh hoàn toàn khác biệt với cuộc sống bên ngoài với những mái nhà gỗ mang dấu ấn thời gian, mấy hàng quà lưu niệm nằm khiêm tốn dưới ánh đèn vàng, và cả những du khách đang lững thững đi bộ trên vỉa hè trong bộ hanbok đủ màu sắc.

Tôi xuôi theo những con đường lát gạch xám, nghe tiếng bánh vali kêu lộc cộc, tìm đến khu nhà nghỉ hanok nằm ở sát con sông ngăn cách thành phố bên ngoài và làng cổ. Đến Jeonju, không biết tiếng quả là một khó khăn cực kỳ lớn, khi hầu hết các bảng hiệu, tên nhà nghỉ, quán ăn, thực đơn… đều được viết bằng tiếng Hàn. Tôi cứ đi loanh quanh giữa những dãy nhà gỗ, nghe chỉ đường bằng tiếng Anh của người dân địa phương nhưng chẳng tìm được khu nhà nghỉ đã đặt trước. Cuối cùng, may mắn gặp được anh cảnh sát tốt bụng, nhiệt tình gọi điện thoại hỏi chủ nhà và đưa đến tận nơi khiến tôi quá sức cảm động, chỉ biết cảm ơn bằng câu tiếng Hàn (kamsahamnida) học được trong mấy ngày ở Seoul.

Không phải resort, khách sạn cao cấp hay giường tầng ở dorm, nhà nghỉ hanok mới là mô hình phổ biến khi đến với làng cổ Jeonju, nơi du khách được hòa mình vào không gian sống mang phong cách Hàn Quốc truyền thống. Các ngôi nhà hanok ở đây có cổng và tường rào dường như mang tính chất “tượng trưng”, chỉ cao tới ngực, đi ngoài đường là có thể nhìn thấy toàn bộ kiến trúc bên trong và khoảnh vườn nhỏ xíu, nhưng được bài trí ấn tượng với các loại cây kiểng, dây leo và hòn non bộ cực kỳ bắt mắt. Ngôi nhà hanok chỗ tôi ở nằm trong một ngõ cụt, cổng vào uốn theo hình trái tim, buổi tối sáng bừng lên nhờ những dây đèn treo theo viền cổng. Ông chủ hết sức dễ thương, một mình làm tất cả, từ check-in, thu dọn, hướng dẫn cho khách đến ở… nhiệt tình vừa dùng động tác tay chân, vừa nói tiếng Hàn để chỉ cho tôi nên đi những đâu.

Ảnh: đường cổ Jeonju (Wiki)

Những ngôi nhà hanok hiện nay trong làng chủ yếu đã được trùng tu lại, nhưng vẫn giữ các đường nét chính, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, đất, đá và vật liệu tự nhiên. Mái nhà được lát gạch Giwa màu đen xám đặc trưng, nếu ngồi từ quán café trên cao, có thể tận hưởng không gian bình yên và lãng mạn trong buổi hoàng hôn, khi mặt trời từ từ hắt những tia nắng cuối cùng, đỏ ối trên hàng trăm mái nhà. Thật tiếc khi tôi không đến được Jeonju vào khoảng cuối tháng 10, lúc cây cối đã chuyển hẳn sang màu vàng và đỏ, có lẽ khung cảnh còn mê mẩn, níu chân người hơn nữa. Căn phòng tôi ở rộng khoảng mười mấy mét vuông, tường và các cửa phủ bằng giấy Hanji, một loại giấy truyền thống của Hàn Quốc, đã được bôi trơn với dầu đậu để chống thấm nước và thoáng khí. Tôi áp tay lên tường, cảm nhận sự thô ráp nhè nhẹ của bề mặt, tưởng như đang chạm vào giấy dó của Việt Nam. Sau này đọc thêm về kiến trúc của các ngôi nhà hanok tôi mới biết dưới mặt sàn bằng gỗ là một hệ thống sưởi được thiết kế làm nóng từ bên dưới, giúp người dân cũng như du khách cảm thấy thoải mái trong tiết trời mùa đông giá lạnh.

Mãi đến 3 giờ chiều tôi mới bắt đầu đi bộ vào trung tâm của làng. Càng đi vào sâu bên trong, tôi càng gặp nhiều du khách mặc hanbok đi dạo, bộ dạng vô cùng hào hứng và phấn khích, thỉnh thoảng gặp góc nào ưng ý thì dừng lại, tạo dáng dễ thương cùng với gậy selfie. Có mấy anh chàng người Hàn trẻ tuổi xúng xính trong bộ hanbok nữ truyền thống cùng nón lớn đội lệch cực kỳ điệu đàng, bình thường thì đi lại chậm rãi, đến lúc trời mưa thì xách váy lên chạy khiến những người xung quanh sau giây phút ngỡ ngàng thì phá lên cười sảng khoái. Có đoạn tôi lại gặp một đôi tình nhân mặc hanbok tông xuyệt tông, nam thì anh dũng với áo dài, mũ chóp, nữ thì yểu điệu với váy bồng điểm hoa nhỏ xíu trên nền vải tối màu. Khi đôi tình nhân ấy đi ngang qua một ngôi nhà hanok vắng người qua lại, không cần lá vàng, không cần ánh hoàng hôn vẫn đủ để tạo nên một khung cảnh hết sức lãng mạn khiến tôi tự nhiên bước chậm lại, chỉ để có thời gian ngắm nhìn, tưởng như mình đang lạc vào Thế giới cổ đại của Hàn Quốc.


Ảnh: những mái nhà Jeonju (Jarkata Post)

Hai bên đường, những ngôi nhà hanok đã được “trưng dụng” để trở thành các quán ăn, tiệm bánh hay quầy lưu niệm. Mấy nơi mà du khách có thể thuê, dù ở trung tâm của làng hanok, vẫn nằm trong một con đường hẹp có lối đi bằng đá xanh, hai bên có cây leo đan vào nhau, thỉnh thoảng vẫn có du khách đứng lại, giơ máy ảnh hoặc điện thoại lên chụp để ghi lại những góc riêng của làng. Trời mưa, tôi ghé vào mấy cửa hàng lưu niệm, thoải mái xem và lựa đồ, không có nhân viên bán hàng theo sát như khi vào các shop mỹ phẩm ở Seoul. Chủ cửa hàng ngồi bên máy tính tiền, chăm chú đọc sách hoặc lướt điện thoại, dù khách chỉ vào xem cũng không hề cảm thấy phiền lòng. Trên phố, không nơi nào có nhạc ầm ĩ hay âm thanh ồn ào của du khách, xe cộ, đôi khi có ô tô hoặc xe máy điện chạy qua cũng chỉ có tiếng lạo xạo của bánh xe nghiến trên đường đá. Có lẽ vì thế nên Jeonju được biết đến với tên gọi “ngôi làng sống chậm”. Cũng có lẽ bởi vậy, nên đến với làng hanok ở Jeonju, tôi không thể cảm thấy vội vã, chỉ có thể hòa mình vào không gian bình yên đến nao lòng, như muốn giữ chân du khách ở lại thật lâu.

Ảnh: Nhà thờ Joendong (GG)

Đường vào làng hanok cổ tập trung nhiều du khách nhất, không chỉ bởi hệ thống những hàng quán xinh đẹp, tiện lợi mà còn là nơi hai điểm du lịch lớn nhất tọa lạc – nhà thờ Jeondong và lăng mộ Gyeonggi. Nhà thờ Joendong nằm ngay trên đường vào làng, nối khu làng cổ với phố xá bên ngoài, không mang dáng vẻ của kiến trúc Hàn Quốc, cũng không kiêu hãnh như những nhà thờ gothic thường thấy ở châu Âu. Toàn bộ bề mặt bên ngoài được bao bọc bằng gạch đỏ và xám xây thô, trên cùng là mái vòm, hơi giống kiến trúc basilica, màu xanh lá cây. Tôi nghe nói nhà thờ được xây dựng để tôn vinh những vị thánh tử vì đạo Công giáo, hiện giờ chỉ mở cửa trong những giờ làm lễ. Bây giờ, có lẽ  ngoài những người theo đạo chờ được gặp Đức Cha thì phần lớn là những khách du lịch trẻ tuổi mặc hanbok vào làm dáng chụp ảnh trong khu sân rộng của nhà thờ, hoặc khách vãng lai ghé qua chỉ để nhìn ngắm không gian uy nghiêm dưới ánh đèn vàng bên trong.

Ảnh: khu lăng mộ Gyeonggi (GG)Nằm đối diện với nhà thờ là khu lăng mộ Gyeonggi. Cuối tháng 9 trời lắc rắc mưa, lá cây vẫn chưa chuyển màu hoàn toàn làm không gian thẫm lại, càng tăng thêm vẻ trầm mặc cho khu làng cổ. Trên chuyến bay đến Incheon, tôi thấy bức hình chụp cảnh vật phía trước lăng mộ với hàng cây lá đổ vàng ruộm cả một góc trời nên nghĩ mình đến trúng mùa thu, chắc khung cảnh cũng ngọt lịm như thế. Khi tới nơi chỉ nhìn thấy một màu xanh thẫm của lá cây giữa mùa thu ngấm nước mưa một buổi chiều mới biết dù lá chưa chuyển màu, làng cổ hanok vẫn đẹp như tranh theo một cách khác. Cũng giống như cung điện Changdeokgung và Gyeongbokgung ở Seoul, phần lớn các khu vực của lăng mộ lớn nhất vương triều Joseon đều chỉ có thể đứng nhìn và đọc giới thiệu từ bên ngoài. Tôi đi dọc những con đường ngai ngái mùi đất sau cơn mưa, loanh quanh trong khu lăng mộ dẫn đến khu triển lãm chân dung các vị vua và mô hình giới thiệu lễ hội truyền thống ở Jeonju nằm ở góc phía Đông, vừa kịp xem hết là tới giờ đóng cửa. Dù không phải điểm nhấn quá đặc sắc, nhưng lăng mộ Gyeonggi với kiểu kiến trúc truyền thống dễ nhận ra của Hàn Quốc với mái ngói Giwa đen xám, cửa và các trụ nhà sơn màu đỏ hoặc nâu sẫm vẫn hài hòa trong tổng thể của làng hanok, khiến du khách đã đến Jeonju thì nhất định ghé qua để tận hưởng trọn vẹn không gian văn hóa nơi đây.

Trước khi trở lại Seoul, tôi dành thời gian đi bộ đến chợ Nambu vì đọc thông tin du lịch trên mạng Internet thấy đây là khu buôn bán sầm uất, có nhiều gian hàng bán đồ ăn uống địa phương thiệt là đã. Lúc đến nơi thấy chẳng giống như mô tả, chỉ là một khu chợ bình thường, bày bán các loại hàng hóa và thức ăn hàng ngày, vài người bán hàng vừa nói chuyện vừa tranh thủ nhặt ớt để phơi khô, làm nguyên liệu cho những món ăn cay xè đậm chất Hàn Quốc. Về nhà đọc kỹ tôi mới biết chợ Nambu nhộn nhịp nhất vào tối muộn các buổi cuối tuần, người dân và du khách có thể thỏa sức đi dọc các dãy hàng, lựa chọn cho mình đủ loại đồ ăn đường phố của Jeonju như thịt xiên nướng rưới sốt bbq và mayo, bánh chocopie được làm thủ công, bánh quế lẫn rau thơm thái nhỏ giòn rụm, và cả những ống đá bào trộn syrup ngọt lừ được người Hàn rất ưa chuộng.

Có lẽ cũng như tôi, ai đến Jeonju cũng phải nếm thử món ăn trứ danh bibimbap của vùng này. Thật ra, đến Hàn Quốc tôi thấy gần như có thể gọi được món ăn này ở bất cứ hàng quán nào, nhưng mỗi quán lại có một phong cách nấu khác nhau, ngay cả ở làng hanok Jeonju cũng không phải ngoại lệ. Lúc đầu tôi định đi tìm quán ăn nổi nhất ở Jeonju được các báo ca ngợi, cũng như các trang du lịch gợi ý cho du khách, nhưng kiếm hoài trên bản đồ không thấy nên đành ăn thử ở một quán giữa làng. Bibimbap là món cơm trộn nổi tiếng, bên dưới là cơm nấu mềm, hạt nở to, dẻo, khi ăn có cảm giác như cơm nấu hơi dư nước ở nhà. Bên trên là cà rốt, giá đỗ, rong biển, thịt bằm, rau xanh, củ cải tươi, củ cải khô, rau sống xếp theo vòng tròn giống hệt khay mứt kẹo đầy màu sắc mỗi mùa Tết đến. Ở giữa, thường là một lòng đỏ trứng sống, cũng có nơi thay bằng trứng hấp hoặc chiên thái chỉ, và một thìa tương cà chua lẫn với ớt nghiền nhỏ cay xé lưỡi. Có vài quán thì chỉ xếp rau, thịt trong tô, còn cơm thì bới riêng trong một bát nhỏ bằng kim loại, khi ăn thì đổ cơm vào tô, trộn đều với các nguyên liệu khác để lòng đỏ trứng và nước tương tan ra, quyện vào với rau, thịt và cơm. Tôi thích nhất là vị ngọt của giá làm từ đỗ tương, dài đến nửa gang tay, ăn vào thấy vị ngọt bùi khác hẳn với giá làm bằng đỗ xanh thông thường và rong biển miếng cắt nhỏ, nếu ai không quen có thể thấy hơi tanh, mà tôi chỉ thấy vị thanh thanh đặc trưng còn sót lại nơi cuống lưỡi mỗi khi nuốt vào.

Ngày cuối cùng ở Jeonju, tôi thuê 1 giờ xe máy điện chạy về phía những con đường thoai thoải theo triền núi dẫn lên đỉnh Omokdae, được trang trí bằng những hình vẽ vô cùng dễ thương và đầy màu sắc. Đây là nơi được giới thiệu là có cái nhìn toàn cảnh làng cổ đẹp nhất, nhưng có lẽ cây cối và các đường dây điện phát triển nhanh quá nên tôi chỉ nhìn thấy những mái nhà xám nhấp nhô đằng sau những tán lá. Đến tối, khi đi dạo vòng quanh khu làng hanok lần cuối, tôi mới phát hiện ra góc đẹp nhất để ngắm toàn cảnh là ở ban công quán café trên tầng cao nhất của khách sạn bên rìa làng cổ. Tiếc là trời tối mịt, ngồi sát ban công chỉ thấy ánh đèn đường hắt lên, nhìn rõ mỗi mấy ngôi nhà phía bên ngoài. Nhưng hai bức ảnh trên kệ chụp lại những mái nhà cổ dưới ánh nắng hoàng hôn mùa thu vàng rực khiến tôi cứ nấn ná mãi chẳng muốn về.

Rời Jeonju, tôi không thấy nuối tiếc nhiều khi chưa được thử mặc hanbok, chưa được nếm thử rượu gạo địa phương hay chưa trải nghiệm lớp học thủ công với giấy hanji. Tôi lại thấy có chút mong mỏi một ngày nào đó được trở lại, có lẽ là khi mùa thu lá vàng và đỏ trên từng góc phố, hay mùa đông tuyết phủ trắng trời.

NA HỒ

Hà Nội, 6/10/2016

Bài đăng trên Chuyên mục Du lịch – báo Tuổi Trẻ Online ngày 7/10/2016 (đã bị biên tập viên cắt gọt làm câu cú cụt lủn hết sức dễ ghét -.- )

http://dulich.tuoitre.vn/tin/trai-nghiem-kham-pha/20161007/ve-jeonju-song-cham/1184392.html

The post Du lịch – Về Jeonju sống chậm appeared first on Góc Cạnh.

]]>
629
Du lịch – Lạc lối ở Venice https://goccanh.com/du-lich-lac-loi-o-venice/?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=du-lich-lac-loi-o-venice Fri, 23 Aug 2013 10:08:34 +0000 http://nahovn.wordpress.com/?p=115 Venice (Venezia trong tiếng Ý) được coi là thành phố lãng mạn nhất châu Âu. Mỗi mùa trôi qua, Venice đều toát lên vẻ đẹp lãng mạn và dịu dàng rất riêng. Trong thời gian du lịch ngắn ngủi, tôi say mê từng góc nhỏ của hòn đảo xinh đẹp này ngay cả những lần […]

The post Du lịch – Lạc lối ở Venice appeared first on Góc Cạnh.

]]>
Venice (Venezia trong tiếng Ý) được coi là thành phố lãng mạn nhất châu Âu. Mỗi mùa trôi qua, Venice đều toát lên vẻ đẹp lãng mạn và dịu dàng rất riêng. Trong thời gian du lịch ngắn ngủi, tôi say mê từng góc nhỏ của hòn đảo xinh đẹp này ngay cả những lần đi lạc lối.

Ảnh: Venice (Timeout)

Tôi đến nhà ga Venezia Santa Lucia  trên chuyến tàu đêm từ Munich. Trong những thành phố tôi đã có dịp ghé qua ở Ý, Venice có lẽ là nơi dễ làm cho du khách cảm thấy mê mẩn nhất. Bước ra khỏi ga tàu hỏa, gió từ Grande Canal không đủ để xua đi cảm giác bức bối dưới cái nắng nóng của mùa hè nước Ý. Nhưng cảnh vật phía bên kia dòng kênh xanh mướt thu hút mắt nhìn, đẹp đến nỗi có thể khiến du khách tỉnh lại sau một giấc ngủ dài trên tàu đến đảo. Đằng sau dãy nhà được xây nổi trên mặt nước là cả một thế giới lãng mạn để du khách thỏa sức khám phá.

Ảnh: Thuyền Gondola trên dòng kênh Grande Canal

Khu nhà trọ nằm kế bên một dòng kênh vô danh, được xây bằng gạch nung theo kiến trúc cổ. Ngay từ nhà ga Santa Lucia đã có chỉ dẫn, nhưng nằm dưới mặt đường, lại khó nhận ra nên chúng tôi không để ý, cứ tìm đường theo bản đồ chỉ dẫn của nhà trọ gửi qua email. Những ngõ nhỏ quanh co, tuy đẹp đến ngẩn ngơ nhưng tôi chưa thể tận hưởng trọn vẹn do còn mệt sau chuyến tàu và phải lếch thếch kéo vali theo sau. Loanh quanh một hồi lại trở về dòng kênh Grande Canal, đối diện ga tàu. Đôi khi dừng lại hỏi người dân thì lại nhận được cái lắc đầu không biết. Có lẽ do du lịch ở Venice phát triển kéo theo sự gia tăng của chuỗi khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ nên thật khó để người dân địa phương có thể nhớ hết được. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một phụ nữ trung niên, người địa phương, biết khu nhà trọ nhưng lại không dùng được tiếng Anh. Tôi cứ hối hả đi theo sau, nghe loáng thoáng những câu giới thiệu và nói chuyện chân tình bằng tiếng Ý, cười trừ khi chẳng thể hiểu gì. Đến lúc nhìn thấy tên nhà nghỉ thấp thoáng phía sau một cửa hàng ăn nhỏ mới vận dụng chút tiếng Tây Ban Nha (gần giống tiếng Ý) rối rít cảm ơn, thấy Venice thật đẹp và thân thiện khi nhìn bóng váy màu thiên thanh của người phụ nữ xa dần.

Ảnh: Những ngôi nhà xinh xắn trong ngõ ở Venice

Tôi gửi vali lại lễ tân, tranh thủ đi loanh quanh trong lúc chờ đến giờ check in. Tấm bản đồ du lịch chỉ rõ những địa điểm thu hút nhiều du khách, nhiều nhất là quảng trường Piazza San Marco hay cầu Rialto. Nhưng chúng tôi không tới thẳng những địa điểm nổi tiếng ấy mà quyết định thong dong đi bộ, tận hưởng cảm giác bình yên giản dị và xinh đẹp toát ra từ những ngôi nhà bằng gạch nung bong tróc nhiều mảng lớn hay từ những chậu hoa cảnh nhỏ để trên ban công cao tít của nhiều tòa nhà cổ. Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp một vài nhà căng dây ra phía ngoài cửa sổ, phơi quần áo bằng cách treo rất nghệ thuật với móc áo và cặp đầy màu sắc. Ở Venice, nhiều nhất là các cây cầu bắc ngang những dòng kênh xanh mướt in hình những đám mây trời. Có những cây cầu làm bằng gỗ, mỗi khi đi qua lại nghe thấy tiếng cọt kẹt dưới chân. Nhiều nữa là những ngõ ngách mái vòm, nối từ khu nhà này sang khu nhà kia. Có du khách cao quá, cứ đi qua là phải lom khom cúi đầu nhưng không hề cảm thấy phiền.

Ảnh: một trong những cây cầu vô danh

Ngay gần khu nhà nghỉ của tôi có một quán ăn nhỏ tên là Mii, có lẽ nằm ở một góc khuất và không tập trung bán cho du khách nên đĩa mỳ spaghetti không trang trí cầu kỳ, giá cả cũng rất phải chăng. Những nhà hàng gần khu quảng trường Piazza San Marco, không những đắt đỏ còn tính thêm nhiều chi phí khác như tiền chỗ ngồi, dịch vụ và tips cũng được mặc định trong hóa đơn. Trong những ngày ở Venice, tôi đặc biệt yêu thích món mỳ spaghetti trộn sốt cà chua, tuy đơn giản nhưng mang lại hương vị đặc trưng của bột mỳ semolina. Sợi mỳ Ý tròn được nấu kỹ, thật mềm trộn lẫn cà chua tươi nghiền, phía trên rắc phô mai bào nhỏ. Mỳ spaghetti có nhiều loại, được nhiều người biết đến nhất là sợi thẳng tròn, sợi dẹt, pasta xoắn hoặc hình nơ. Đa số các cửa hàng ở Ý đều bán các loại spaghetti và pasta mà sợi mỳ vẫn còn cứng, có lẽ vì thế nên tôi cũng thích đồ ăn ở Mii hơn cả.

Ảnh: quán cà phê độc đáo

Điểm đặc biệt ở Venice là hoàn toàn không có xe ô tô đi lại trên đảo. Người dân địa phương và khách du lịch di chuyển chủ yếu là đi bộ hoặc sử dụng water bus (loại tàu lớn chở khách trên dòng kênh Grande Canal, đi đến những điểm du lịch lớn của Venice, là phương tiện chính để đi đến đảo Murano và Burano). Kênh Grande Canal là giao thông huyết mạch của Venice. Ngồi trên water bus hoặc thuyền gondola đi dọc dòng kênh có thể thoải mái ngắm nhìn những công trình kiến trúc độc đáo, những dãy nhà cổ, nhà hàng và khách sạn ngay sát mép nước. Ngoài ra, khán giả yêu phim chắc cũng dễ dàng nhớ ra Grande Canal và những cảnh đẹp khác của Venice đã xuất hiện trong bộ phim “The tourist”. Bộ phim không chỉ hấp dẫn vì sự góp mặt của tài tử Johnny Depp và nữ minh tinh Angelina Jolia mà còn bởi cảnh đẹp như tranh từ những ngôi nhà mái đỏ của Venice.

Trên đảo, từng ngõ ngách thông nhau, đôi lúc đi đúng hướng trên bản đồ nhưng lại vẫn lòng vòng bị lạc. Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp vài biển chỉ dẫn đến cùng một địa điểm nhưng lại có hai mũi tên chỉ về hai hướng khác nhau. Thật làm cho người ta phải bối rối. Đi qua từng ngõ nhỏ, tận hưởng cảm giác êm đềm toát ra từ những ngôi nhà đóng cửa im lìm với những chậu hoa nhỏ bên cửa sổ xinh xắn. Nằm ở vị trí trung tâm của Venice, quảng trường San Marco lúc nào cũng tập trung lượng lớn du khách bởi sự hấp dẫn của những công trình kiến trúc vừa độc đáo vừa quan trọng hay bởi sự sầm uất đặc trưng của khu du lịch thương mại. Một trong những công trình quan trọng nhất ở đây là nhà thờ San Marco, nơi lưu giữ thi hài thánh Mark, vì long ngoan đạo mà người dân Venice đánh cắp từ Ai Cập năm 828. Ban ngày, có đến hàng ngàn con chim bồ câu dạn người sà đến, ăn những mẩu vụn bánh mỳ của khách du lịch. Tối đến, cả khu quảng trường sáng rực ánh đèn từ những nhà thờ và quán cà phê xung quanh. Từ phía gần nhà thờ thánh Mark, dàn nhạc sống của quán cà phê sang trọng bậc nhất quảng trường chơi vài bản nhạc hòa tấu cổ điển. Tiếng réo rắt của violin và cello hòa lẫn với âm thanh mượt mà, êm dịu của piano tạo ra cả một không gian yên bình mênh mông mà du khách có thể tận hưởng trọn vẹn bên tách cà phê.

Ảnh: quảng trường San Marco vào buổi tối

Gần với quảng trường thánh Marco, được biết đến như một trong những biểu tượng đặc trưng của Venice là cầu Rialto. Đây là một trong 4 cây cầu bắc ngang dòng kênh Grande Canal. Ban đầu đây là một cây cầu bằng gỗ. Nhưng do sự phá hủy của điều kiện thiên nhiên và thời gian, cây cầu Rialto ngày nay được xây dựng lại hoàn toàn bằng đá cẩm thạch vào năm 1591. Buổi chiều muộn, dừng chân ở bến water bus ngay dưới chân cầu, đi bộ ngược lên phía trên, hòa vào dòng người nườm nượp. Có rất nhiều du khách tập trung về cầu sớm để tìm chỗ đẹp ngắm và chụp ảnh hoàng hôn. Khi những ánh nắng mặt trời cuối cùng chuẩn bị tắt, dãy nhà hàng hai bên Grande Canal đã lên đèn rực rỡ. Dưới ánh đèn, vẫn còn có thể nhận ra những chiếc thuyền Gondola cuối cùng đang chở khách du lịch đi trên dòng kênh lớn.

Ảnh: cây cầu Rialto bằng đá cẩm thạch nổi tiếng của Venice

Ảnh: nhà thờ San Marco

Bên cạnh water bus, Gondola cũng được du khách ưa chuộng vì có thể đi vào những nhánh kênh nhỏ giữa các dãy nhà, nơi mà người đi bộ không thể thấy được. Đây là loại thuyền dài, hẹp được sơn màu đen hoặc xanh biển đậm. Trước đây, Gondola chỉ dành cho giới quý tộc ở Venice. Trước sự xa xỉ gia tăng đột biến của những chiếc Gondola, chính phủ của Venice đã phải đồng bộ hóa những con thuyền này với cùng dáng vẻ và màu sắc.

Ảnh: “đoàn” thuyền Gondola

Ngày nay, loại phương tiện này chủ yếu dành cho du khách với giá cả tương đối đắt đỏ, 80 euro cho 40 phút đi khám phá Venice trên những dòng kênh. Tôi rất thích bức tranh 5 chiếc thuyền Gondola màu xanh ẩn mình trong sương sớm, đằng sau là mặt nước xanh ngắt của dòng Grande Canal và thấp thoáng phía xa là mái vòm của nhà thờ San Marco. Song, tôi đến Venice đúng vào dịp du lịch, những con thuyền Gondola hoạt động hết công suất nên thật khó để có thể “săn” được những cảnh đẹp và yên ả như vậy.

Ảnh: hoàng hôn nhìn từ cầu Rialto

Đến Venice, tôi không chỉ mê mẩn bởi cảnh đẹp của từng ngõ nhỏ, những ngôi nhà mái đỏ, mỗi lần đi lạc lối mà còn bị hấp dẫn bởi những chiếc mặt nạ thạch cao nơi đây. Tôi đã rất ngạc nhiên và thích thú khi đi giữa hai dãy cửa hàng bán mặt nạ với cả trăm, ngàn chiếc đủ vẻ biểu cảm và màu sắc. Hiện nay, mỗi năm một lần thành phố Venice lại tổ chức lễ hội hóa trang với sự xuất hiện của những chiếc mặt nạ cầu kỳ, trang phục độc đáo và âm nhạc nổi lên từ tất cả các nẻo đường. Thật đáng tiếc chúng tôi không đến đúng dịp lễ hội nên chỉ có thể nhìn được những chiếc mặt nạ nằm trong tủ kính. Mặt nạ được bày bán ở Venice rất đa dạng, từ loại bé tí chỉ để được trên đầu ngón tay đến loại đeo kín mặt được trang trí với những nét vẽ cẩn thận, tỉ mỉ với nhiều mức giá khác nhau.

Ảnh: những chiếc mặt nạ cầu kỳ

Cho dù tôi thích khám phá những địa điểm còn hoang sơ, mới mẻ, ít du khách trong khi Venice đã đậm chất thương mại hóa và du lịch, nhưng tôi vẫn dành nhiều tình cảm cho mảnh đất nhiều kênh đào đẹp đẽ này. Có lúc đọc tin Venice ngập chìm trong nước vào mùa mưa, lại thấy mình chăm chú và quan tâm hơn. Hay mỗi mùa Valentine đến lại thấy nhớ Venice da diết bởi sự lãng mạn nhẹ nhàng của thành phố đáng yêu này. Và nếu có dịp trở lại, tôi tự hỏi liệu mình có còn lạc lối trong những ngõ nhỏ kia nữa không?

Hà Nội, 4/3/2013

Na Hồ

Bài đăng trên chuyên mục Du lịch – TTO ngày 24/4/2013

http://dulich.tuoitre.vn/tin/20130424/lac-loi-o-venice/544566.html

The post Du lịch – Lạc lối ở Venice appeared first on Góc Cạnh.

]]>
689