“Trần tình lệnh” khép lại với một cái kết đẹp cho hai nhân vật chính trong thế giới tu tiên. Trong suốt quá trình vén màn bí ẩn của những thế lực hắc ám, tìm đến cuộc sống tự do, Nguỵ Vô Tiện và Lam Vong Cơ đã trải qua nhiều thăng trầm, có vui có buồn, có những hy sinh thầm lặng, có can đảm, kề vai sát cánh, có những bí mật dần dần được hé mở… Nhưng sau tất cả, tôi lại cứ day dứt mãi về nghiệt duyên của Hiểu Tinh Trần và Tiết Dương, một người lương thiện, ấm áp như ánh mặt trời, một người tà ác như màn đêm vô tận. Phân đoạn của Hiểu đạo trưởng và Tiết Dương dù ngắn ngủi nhưng lại mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất, để rồi khi tập cuối đã kết thúc nhưng lại cứ bám mãi trong cảm xúc, có nụ cười có nước mắt, có rất nhiều máu và đau đớn, xót xa.

Ảnh: Trần tình lệnh (GG Images)

Bộ phim “Trần tình lệnh” được chuyển thể từ tiểu thuyết Ma Đạo Tổ Sư của tác giả Mặc Hương Đồng Khứu, một trong những cây viết có tiếng trên diễn đàn văn học Tấn Giang, Trung Quốc. Dù sau khi thành phim, cốt truyện từ tình cảm đam mỹ chuyển thành “tình đồng chí” nhưng vẫn không kém phần hấp dẫn, phần vì bám sát nguyên tác, phần vì dàn diễn viên xinh đẹp lung linh, phần khác bởi trang phục và nhạc phim được đầu tư, chuẩn bị vô cùng chỉn chu. Một trong những điều tôi thích nhất ở “Trần tình lệnh” là các tuyến nhân vật dù chính hay phụ đều được xây dựng chi tiết, chẳng ai quá đỗi mờ nhạt đến mức mọi người quên mất sự tồn tại của họ trong suốt bộ phim. “Trần tình lệnh” kể về cuộc đời của Di Lăng lão tổ Nguỵ Vô Tiện (Nguỵ Anh), một cậu bé mồ côi được nuôi dưỡng và lớn lên ở Vân Mộng giang thị. Khi đến Vân Thâm Bất Tri xứ học tập, Nguỵ Anh quen biết Lam Vong Cơ (Lam Trạm), một người lớn lên từ hàng ngàn điều gia quy giáo huấn nên vô cùng quy củ và cứng nhắc. Trải qua quá trình học tập, săn đêm, chiến đấu cùng nhau, Nguỵ Anh và Lam Trạm đã coi nhau như tri kỷ. Nhưng mỗi người đều có những bí mật nho nhỏ của riêng mình. Khi Nguỵ Anh quyết định hiến kim đan của bản thân để cứu Giang Trừng – người bạn thiếu thời, con của ân nhân – đã giữ kín như một bí mật chôn vùi cùng bản thân mình. Cho dù cả giới tu chân cạnh khoé, sỉ nhục vì bản thân tu tập tà ma ngoại đạo, dù không có kim đan để tiếp tục sử dụng bội kiếm Tuỳ Tiện mà luôn mang bên mình cây sáo Trần Tình, mỗi khi cất tiếng sáo là khí đen quanh quẩn, Nguỵ Anh cũng quyết không hé nửa lời về bí ẩn bên trong. Để rồi khi các môn phải vây quét, Nguỵ Anh đã quá mệt mỏi quyết định nhảy xuống vực sâu để kết thúc tất cả, để lại đau đớn và day dứt, hối hận cho Lam Trạm.

Sau tất cả, Lam Trạm không còn là con người lạnh lùng băng giá của ngày trước mà mải miết vấn linh suốt 16 năm ròng. Cuối cùng cũng đợi được Nguỵ Anh trở lại trong thân xác của người khác. Dù vậy, chỉ cần tiếng sáo cất lên, Lam Trạm đã nhận ra người tri kỷ của mình, lắng lại trong tiếng gọi “Nguỵ Anh”. 16 năm dài đằng đẵng, cuối cùng đã có đủ tin tưởng để cùng nhau chiến đấu, sẻ chia, để cùng nhau hướng tới cuộc sống tự do không ràng buộc bởi bất kỳ môn phái nào.

Trên con đường truy quét thế lực hắc ám, một trong những người khiến tất cả đau đầu nhất có lẽ là Tiết Dương, một kẻ tà ma tự do, ngông cuồng, ngay cả Kỳ sơn Ôn thị có thể chèn ép các môn phái cũng không thể nắm giữ được. Tiết Dương xuất hiện từ đầu phim, khuôn mặt đẹp, sáng sủa nhưng thêm vào nụ cười và ánh mắt bất cần bỗng trở nên ngông nghênh vô cùng. Hiểu Tinh Trần vừa hạ sơn, mang theo biết bao khát vọng chính nghĩa, trừ ma để mang lại cuộc sống bình yên cho người khác. Một chính – một tà, một cương nghị chính trực – một ngông cuồng bất kham, tưởng chừng chỉ gặp nhau thoáng chốc trong cuộc truy bắt ráo riết. Nhưng ai ngờ câu nói của Tiết Dương: “Hiểu Tinh Trần, ngươi đừng quên ta, chúng ta sẽ còn gặp lại” như một lời tiên tri để ràng buộc hai người vào một mối nghiệt duyên đầy day dứt.

Hiểu đạo trưởng và Tiết Dương vô tình gặp lại nhau khi Hiểu Tinh Trần đã mù, băng vải che lại hốc mắt nhưng không thể che được sự nhạy cảm với thế giới xung quanh. Trên đường trở về Nghĩa thành, ngửi thấy mùi máu nên Hiểu Tinh Trần đã cứu Tiết Dương bị thương nặng không còn tỉnh táo và cảm giác, theo bản năng giơ tay cầu cứu người qua đường, ai ngờ lại gặp đúng kẻ thù không đội trời chung. Đạo sĩ mù đã cõng kẻ tà ma trở về nơi ở, dùng cảm giác của đôi tay để xử lý vết thương và cứu tỉnh con người đang mê man kia. Phản ứng đầu tiên khi tỉnh lại, Tiết Dương không hoảng sợ mà ánh mắt toát ra vẻ đề phòng và sẵn sàng chiến đấu dù bản thân không còn linh hoạt. Đáp lại với phản xạ đầy cảnh giác ấy là nụ cười như ánh nắng của Hiểu Tinh Trần. Có lẽ ở giây phút đó, sự ấm áp đã sưởi ấm trái tim vốn lạnh lẽo, tàn nhẫn và không biết yêu thương của Tiết Dương. Để khi đã khoẻ lại nhưng Tiết Dương vẫn không rời đi mà ở lại Nghĩa thành suốt ba năm cùng Hiểu Tinh Trần và cô bé mù. Để Tiết Dương lạnh lùng biết thốt ra câu “Đừng xa lánh ta mà”.

Nhưng cuộc sống tưởng chừng như yên bình đã đến hồi kết khi Tống Tử Sâm – đạo sĩ đồng hành với Hiểu Tinh Trần – tìm đến Nghĩa thành. Tống Tử Sâm quá đau đớn khi chứng kiến bạn mình sống vui vẻ cùng kẻ thù mà không hề hay biết đã lao vào điên cuồng chiến đấu với Tiết Dương, cuối cùng bị câm và biến thành con rối. Một khi tà khí từ con rối toát ra, Hiểu Tinh Trần lập tức theo cảm ứng của cây kiếm Sương Hoa, dùng chính cây kiếm chuyên diệt trừ tà ma ấy đâm thẳng vào trái tim của bạn mình. Nghiệt ngã vô cùng khi người đồng hành của mình đổ máu, gục ngã ngay trước mặt mà Hiểu đạo trưởng vẫn tưởng mình đã diệt trừ được một mối hoạ cho dân chúng quanh vùng. Đó là cách sống, cách “săn đêm” mà Tiết Dương đã dần dần dẫn dắt Hiểu Tinh Trần trong suốt thời gian dài. Hắn biến người dân thành con rối, để Hiểu Tinh Trần mang kiếm đi trừ tà, để nhuốm máu đôi bàn tay và cây kiếm mang danh chính nghĩa. Thế giới nội tâm của Tiết Dương thật sự hết sức mâu thuẫn, một mặt hắn sống vui vẻ, hài hoà, bảo vệ Hiểu Tinh Trần khi bị người khác khinh bạc do không thể nhìn thấy, một mặt hắn lại muốn đưa “kẻ thù” vào con đường sai trái để có thể cởi bỏ được vẻ ngoài đạo mạo, cương trực mà hắn vô cùng ghét bỏ.

Và tất cả kết thúc khi Hiểu Tinh Trần cay đắng phát hiện ra mình không chỉ cứu sống Tiết Dương mà còn dần lạc lối, ngày càng rời xa chính nghĩa mà mình theo đuổi. Cú hích cuối cùng khiến linh hồn Hiểu Tinh Trần không còn muốn sống nữa là khi bàn tay chạm đến hai chữ Phất Tuyết quen thuộc đang tấn công trước mặt mình, phát hiện ra Tống Tử Sâm biến thành con rối cũng có phần đóng góp không nhỏ của bản thân. Tất cả suy sụp, vụn vỡ, hối hận, uất ức, thất vọng hoá thành hai hàng lệ máu chảy ra từ hốc mắt. Khi Tiết Dương đang điên cuồng cười vì kẻ thù đã thất bại, vì mình đã “chơi quá vui” thì Hiểu Tinh Trần đã quyết định kết thúc mạng sống của bản thân bằng chính cây kiếm của mình. Thân ảnh màu trắng gục xuống khiến Tiết Dương im bặt, có lẽ vì quá choáng váng, không nghĩ tới Hiểu Tinh Trần sẽ quyết định từ bỏ sự sống, cũng có lẽ vì sự ấm áp trong lòng, vì điểm tựa tinh thần vừa le lói đã vỡ nát. Tiết Dương phát điên, là sự điên cuồng xen lẫn đau đớn muốn níu giữ chút tàn dư của linh hồn Hiểu Tinh Trần, mong có thể cứu sống trở lại. Cũng chính bởi sự điên ấy mà hắn đã bị bại lộ hành tung, bỏ mạng ở trận đấu cuối cùng với Nguỵ Anh và Lam Trạm.

Về lý, với những tội ác mà Tiết Dương đã làm thì cho dù chết bao nhiêu lần vẫn không đủ bù đắp. Chỉ vì những mất mát thời niên thiếu khiến tâm lý Tiết Dương có phần lệch lạc, có lẽ điều đó đã tạo nên một nhân vật máu lạnh, tuyệt tình nhưng lại bị cảm động vì một sự săn sóc vô cùng ấm áp. Những lần đồ sát khắp nơi có lẽ chỉ là những cuộc chơi để thoả mãn tâm lý của bản thân. Để rồi khi Hiểu Tinh Trần đưa cho Tiết Dương những viên kẹo, là nụ cười ấm áp hay vị ngọt của đường đã dần hàn gắn vết thương vốn đã khép miệng từ lâu. Tiết Dương quả thật vô cùng tàn nhẫn và ngông cuồng, nhưng khi tâm hồn bị tổn thương bắt đầu có ánh nắng thì phải đối mặt với thực tế, phải trả giá cho những lần đồ sát đẫm máu trong quá khứ. Dư âm của mối nghiệt duyên này một phần đến từ nguyên tác và kịch bản, một phần đến từ tạo hình và diễn xuất của Tống Kế Dương cùng Vương Hạo Nhiên. Tất cả ánh mắt, cử chỉ, nụ cười đã phác nên một bức hoạ hoàn chỉnh cho nhân vật, cũng chạm đến tâm can của người xem. Nếu như cuộc sống ở Nghĩa thành cứ mãi tiếp diễn như vậy chắc hẳn nhiều khán giả cũng không phàn nàn gì, bởi dường như Hiểu Tinh Trần và Tiết Dương đều rất vui vẻ, bình an, tưởng chừng như có thể quên đi quá khứ cũng như Thế giới bên ngoài, cứ sống như vậy thôi. Nhưng cuộc sống chẳng thể nói câu “giá như”. Cho đến tận khi thoi thóp giữa vũng máu, Tiết Dương vẫn hoài niệm và nuối tiếc chiếc kẹo cuối cùng mà Hiểu đạo trưởng đã đưa. Hiểu Tinh Trần chết rồi, mảnh tàn dư của linh hồn cũng không muốn sống, chút ánh nắng sưởi ấm lòng Tiết Dương cũng không còn, bản thân hắn cũng đâu còn động lực để tiếp tục sống nữa.

Phân cảnh Tiết Dương – Hiểu Tinh Trần ở Nghĩa thành kết thúc, để lại day dứt dai dẳng, thay đổi cả tâm trạng khi nghe ca khúc nhân vật trên Youtube. Tôi thấy “Trần tình lệnh” là một bộ phim khá đặc biệt khi có các ca khúc sáng tác riêng cho từng nhân vật. Mối nghiệt duyên này gắn vào bài hát “Hoang thành độ” (ca khúc nhân vật Tiết Dương) với trích đoạn Hiểu – Tiết xuyên suốt từ lúc đầu gặp mặt đến khi Tiết Dương ngã xuống, cùng giọng ca của Châu Thâm, đủ khắc khoải và nghiệt ngã. Mối nghiệt duyên của hai nhân vật phụ nhưng lại khiến tôi day dứt mãi không thôi.

NA

2021.06.14

#trần_tình_lệnh #untamed #reviewphim #film

error: Content is protected !!