Ảnh: đồ chơi gỗ (GG)
Khi sinh em bé #Mầm, mình đọc sách, đọc tài liệu và các bài chia sẻ, mình hơi sợ giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2, lên 3. Vào lúc ấy, mình chưa hình dung được mức độ “oanh tạc” tinh thần của các bạn bé đối với bố mẹ, chưa biết được những cơn gào khóc, đòi hỏi sẽ mang đến sự mệt mỏi thế nào. Mình đã từng nghĩ sẽ giải quyết các vấn đề của bạn bé bằng cách giải – thích – cho – con – hiểu. Nhưng sự thật không hề như mình tưởng tượng ra, tâm lý và nhận thức của em bé không chấp nhận những lý do tưởng như rất hợp lý của người lớn.
Trước khi em bé bước vào giai đoạn 2-3 tuổi, mình luôn cố gắng tôn trọng ý kiến của con, giải quyết mỗi lần con “khó ở” bằng cách thương lượng. Mình không bao giờ nghĩ rằng con còn bé, chưa hiểu biết gì thì mặc kệ, muốn làm gì thì làm. Trẻ em rất thông minh, biết được ai chiều chuộng mình để vòi vĩnh. Vẫn trẻ em ấy, đối với người nghiêm khắc sẽ chỉn chu hơn, đối với người không có thiện chí sẽ bài xích… Tất cả phản ứng mình cho rằng đều bắt nguồn từ cảm nhận của bé. Mình tin là trẻ em cũng giống như người lớn, không muốn làm những việc mà mình bị ép buộc. Vậy nên, mình không thể dựa vào cái danh “là mẹ” để bắt con phải làm cái abc, xyz nào đó. Nhất là khi việc con muốn làm chẳng nói lên tính cách, sự giáo dục của một đứa trẻ, cũng chẳng ảnh hưởng quá lớn đến người khác, đơn thuần chỉ là một lần “con muốn làm cái này cái kia” trong quá trình muốn khẳng định cái tôi của bản thân.
Vì vậy, khi đến “thời kỳ khủng hoảng” theo cách gọi của nhiều bố mẹ, gia đình mình không bị khủng hay hoảng gì cả. Đôi lúc bản thân mình, dưới nhiều áp lực công việc, lo lắng, suy nghĩ, nghe con khóc đòi cũng muốn điên lên lắm. Mình cũng có lần không kiềm chế được, đã hét to lên. Mình được giải phóng một phần áp lực đang bùng lên trong đầu, nhưng em bé quả thật đã rất hoảng sợ. Ánh mắt nhìn mình rất ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang diễn ra, tại sao bà mẹ kia bình thường nói lời yêu thương âu yếm, đột nhiên lại to tiếng với mình. Thế nên về sau mình cố hết sức để kiềm chế mỗi lần cơn giận bùng lên, tránh những lần sợ hãi của em bé, cũng coi như rèn luyện thêm về tinh thần.
Mình tin rằng cái gì cũng cần cả quá trình. Mình càng bỏ công sức, thời gian bao nhiêu thì kết quả sẽ xứng đáng bấy nhiêu. Con nhà người ta thì mình không biết, nhưng con mình chắc chắn sẽ không thể trở thành một con người hiểu biết, lịch sự…, Nếu như mình không lớn lên cùng con, thả con tự do như cỏ dại.
Và, cứ yêu thương, chẳng giai đoạn nào của con trở thành khủng hoảng cả 🤗
KT
2019/09/21
#mevabe #khunghoang#KhaTue