nghệ an Archives - Góc Cạnh http://goccanh.com/tag/nghe-an/ [ - Góc nhỏ tĩnh lặng ~ Bởi cuộc đời dài rộng lắm, yêu thương lại rất gần - ] Mon, 06 Feb 2023 07:17:17 +0000 en-US hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.5.4 https://i0.wp.com/goccanh.com/wp-content/uploads/2021/01/image-1.jpg?fit=32%2C32 nghệ an Archives - Góc Cạnh http://goccanh.com/tag/nghe-an/ 32 32 187908604 | Tạp bút | Dù cho Thế giới mênh mông http://goccanh.com/tap-but-du-cho-the-gioi-menh-mong/?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=tap-but-du-cho-the-gioi-menh-mong Mon, 06 Feb 2023 07:17:12 +0000 http://goccanh.com/?p=1452 Nhà ông bà nội tôi nằm phía ngoài đê, ngay dưới chân triền dốc, trên con đường làng nhỏ dẫn ra phía bờ sông Lam. Ngày trước đường làng bằng đất, hơi mưa chút xíu là lầy lội những bùn và đất bám quanh gót giày, theo thời gian được “nâng cấp” dần lên thành […]

The post | Tạp bút | Dù cho Thế giới mênh mông appeared first on Góc Cạnh.

]]>
Nhà ông bà nội tôi nằm phía ngoài đê, ngay dưới chân triền dốc, trên con đường làng nhỏ dẫn ra phía bờ sông Lam. Ngày trước đường làng bằng đất, hơi mưa chút xíu là lầy lội những bùn và đất bám quanh gót giày, theo thời gian được “nâng cấp” dần lên thành con đường bê tông cạnh mương, rồi lấp luôn mặt mương để bây giờ là con đường sạch sẽ, rộng rãi, chỉ khi ra tới gần bờ sông mới bắt đầu xuôi dần xuống lối nhỏ nằm giữa hai bụi tre già, đã được xếp mấy phiến đá làm đường đi. Mùa hè, gió Lào thổi tới, xuyên qua rặng tre xào xạc, mang theo hơi nóng của xứ miền Trung mà tôi ngồi sâu trong bậc cửa nhà ông bà vẫn thấy hầm hập.

Ảnh: Từ rú Thành nhìn ra sông Lam (GC)

Khi tôi bắt đầu có ý thức về nhà ông bà thì bố tôi và các bác đã không còn ai ở lại đó. Trên mảnh đất ngày xưa vẫn giữ được ngôi nhà ba gian lợp ngói đỏ, sàn đất nung theo năm tháng đã đọng đầy rêu, cùng khung cửa gỗ bạc màu sau những đợt lũ lụt, nước ngập lên đến tận mái nhà. Tôi nghe kể lại trước còn một dãy nhà ngang nhưng về sau đã bị dỡ bỏ, chỉ còn lại khoảnh vườn nhỏ. Mỗi khi về quê lại thấy cỏ và cây dại mọc đầy xen giữa cây ăn trái, cả nhà lại xắn tay lên nhổ cỏ và dọn dẹp. Dưới mái nhà phảng phất nét xưa cũ ấy, bố tôi cùng các bác đã lớn lên, trưởng thành và đi đến khắp nơi học tập, làm việc, định cư. Lâu lâu lại có dịp lễ Tết, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, giỗ chạp… anh em con cháu lại về gặp nhau ở nhà của ông bà, tiếng cười tiếng nói vang vọng khắp nơi, trong khoảnh sân nhỏ trước nhà, trên triền đê, bên nhà thờ, ra đến cả phía bờ sông bên ngoài.

Ngày trước nhà ông bà tôi cũ kỹ, bàng bạc màu thời gian và rêu phong. Nhiều khi trở về quê, đứng trên triền đê chỉ thấy lớp mái ngói đã bạc màu, trong sân lá khô rụng trên lớp rêu bám cứng trên nền gạch đỏ. Tất cả phủ lên một lớp màu nhạt nhoà càng tăng thêm vẻ đìu hiu và cô quạnh. Thứ màu sắc có sức sống nhất trong khuôn viên nhà ông bà chắc hẳn là mấy cây bưởi và cau trong vườn, cho dù mùa nào, cho dù thời tiết khắc nghiệt đến thế nào cũng vẫn mang sắc màu xanh ở các mức độ khác nhau. Nhìn lại mấy tấm ảnh hồi bé, cau mới cao chừng ngang mái nhà, giờ tôi lớn lên, cau cũng “lớn” cùng, phải ngửa mặt lên mới thấy những tán lá cau in trên nền trời. Hồi ấy, mỗi lần về quê là bố tôi phải nhờ điện của anh em hàng xóm bên cạnh, mới thắp được ngọn đèn tròn giữa nhà. Mùa hè nóng rực cũng chỉ có quạt giấy trên tay, đi xách thêm một xô nước mưa hoặc kéo nước giếng từ nhà bác Phượng bên cạnh, vỗ nước lên mặt nghe mát lạnh, dù gió mùa hè thổi lại cũng bớt phần nào cảm giác oi bức đến gay gắt.

Có lẽ nhà ông bà tôi mang nét xưa quá, lại vừa đủ trở thành bối cảnh để đài truyền hình tỉnh đến bài trí quay bộ phim ca nhạc “Bài ca về mẹ” đợt 8/3 cách đây mấy năm. Đến lúc quay xong, phim ca nhạc lên sóng các bác trong quê mới gọi điện thoại thông báo giờ phát trên truyền hình. Khi tôi bật tivi thì đã bắt đầu chiếu được đoạn mở đầu, tôi với bố vội vàng dựng máy quay phim du lịch để ghi lại. Nhà ông bà tôi lên tivi trông cũng đẹp ghê, không cần thay đổi nhiều, chỉ cần mở cửa và chống mành là đã trở thành một ngôi nhà ngày xưa hoàn hảo. “Bài ca về mẹ” lựa chọn mấy bài hát nghe mới mẻ vô cùng, không trúng gu của tôi chút nào, nhưng kết hợp với khung cảnh của nhà ông bà tôi, với mấy nhà trong xóm, với diễn xuất của bác gái Phượng và mấy “diễn viên tay ngang” trong làng, với giọng hát đặc chất miền Trung lại cứ níu giữ tôi xem đi xem lại nhiều lần về sau. Nguyên bộ phim gần như lưu giữ trọn vẹn khung cảnh nhà ông bà tôi trước khi được “nâng cấp”, là những góc nhỏ giản đơn, là cuộc sống bình dị của ông bà và các con được tái hiện lại hay sao? Trong tất cả các bài hát, tôi cứ nhớ mãi câu “dù cho Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình”.

Có lẽ bởi vì “không đâu bằng nhà mình”, nên hai năm trước, bố tôi và các bác đã lên kế hoạch tu sửa ngôi nhà của ông bà trở thành nhà thờ, là nơi để con cháu trở về. Ngôi nhà chính được nâng lên cao, vẫn giữ khung nhà cũ nên trông không có nhiều khác biệt. Trên hiên nhà và bên trong treo 10 chiếc đèn lồng đỏ, mỗi khi chiều tà buông xuống, ngồi bên hiên nhà dưới ánh đèn lồng tự nhiên thấy bình yên, chỉ muốn ngồi yên lặng để nghe cho rõ âm thanh của gió xuyên qua đám lá cây. Kế bên cạnh, một khu nhà ngang được xây mới kiểu cấp 4, được trang bị đủ bàn ghế, giường chiếu, bếp, khu vệ sinh, đồ đạc… hoàn toàn đủ để trở thành nơi an trú mỗi khi về quê. Mấy năm gần đây, mỗi khi về quê, bố tôi không còn phải “trú” ngoài Vinh rồi hàng ngày trở về trong quê để thắp hương, để lên rú, để dọn dẹp nữa. Sân vườn cũng được “quy hoạch” đẹp đẽ và gọn gàng. Cả khung cảnh bừng lên màu sức sống mới mẻ, sạch sẽ và đậm đà. Nhưng tôi lại cứ thấy có gì đó luyến tiếc cái đẹp đẽ xưa cũ, bạc màu thời gian của ngày trước.

Thật lạ, thành phố có nhà có xe, có mọi thứ giúp cuộc sống tiện lợi hơn, nhưng tôi cứ thích về quê. Về nơi gió Lào cát trắng, về nơi có mái nhà cũ nhưng ngồi bên bậu cửa hồi lâu lại chẳng muốn rời đi. Có lẽ trong lòng tôi đã coi nơi ấy là nhà, cũng như ngôi nhà nhỏ của tôi bây giờ vậy. Dù đi mãi ra ngoài, tiếp cận với Thế giới mênh mông, với biết bao điều mới mẻ, lại cứ muốn “về nhà”, về nơi an yên.

NA

2021.01.13

#quê #quê_nhà #NgheAn

The post | Tạp bút | Dù cho Thế giới mênh mông appeared first on Góc Cạnh.

]]>
1452