Tôi cùng 3 người bạn khác đi Ai Cập vào những ngày cuối tháng 1, khi ở Việt Nam mọi người đang rộn rã ăn Tết và nơi tôi ở đang chìm vào những ngày mùa đông ảm đạm và lạnh lẽo. Chuyến bay đi Cairo xuất phát từ sân bay Heathrow ở London nên tôi đã chọn cách đi tàu từ hôm trước, ở nhờ nhà bạn, tranh thủ buổi tối đi qua phố Tàu để hòa mình vào không khí của ngày 1 Tết. Sáng hôm sau, tôi và Cao Hình – chiến hữu trong mỗi chuyến đi – bắt tàu điện ngầm đến Terminal 1 từ 6h mà trời London còn chưa sáng.
Chuyến bay 5 tiếng đồng hồ khiến tôi đến Cairo có đôi chút mệt mỏi. Ấn tượng đầu tiên của tôi là sân bay Cairo cũng đẹp quá, có đôi chút hiện đại. Sân bay Cairo cách khách sạn của chúng tôi 1 tiếng đi ô tô, nhưng theo lời người phụ trách đưa đón ở Ai Cập thì nếu giao thông không tốt, việc di chuyển có thể mất tới hai tiếng hoặc hơn. May sao, chúng tôi đến đúng ngày thứ ba, lại vào giữa buổi chiều nên giao thông cũng không gặp nhiều khó khăn.
Ai Cập là nước từng có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, nhờ có lượng phù sa màu mỡ màu đen từ trận lụt hàng năm mà sông Nile mang lại. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhờ thu hút lượng khách du lịch lớn nên ngành du lịch đã đóng góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế của nước này. Nơi đầu tiên chúng tôi đến là khu quần thể kim tự tháp Giza. Ngày nay, 3 kim tự tháp lớn và 6 kim tự tháp nhỏ đều đã bị hư hại rất nhiều. Kim tự tháp Kheops là công trình cổ đại duy nhất còn tồn tại trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại, được xây dựng từ 2.2 triệu phiến đá lớn. Cho đến nay, nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho quá trình xây dựng kim tự tháp nhưng vẫn còn là một điều bí ẩn. Điều đặc biệt ở kiến trúc của kim tự tháp chính là bốn mặt tam giác quay về các hướng đông, tây, nam, bắc. Tôi nghe nói có nhiều du khách hiếu kỳ đã bỏ tiền ra mua vé để đi vào phía trong, dù được thông báo trước rằng ở trong hoàn toàn không có gì nổi bật nên chúng tôi chỉ loanh quanh chụp ảnh phía bên ngoài.
Ảnh 1: Kim tự tháp Ai Cập
Cách kim tự tháp Kheops khoảng vài phút chạy xe là đến khu đồi nhỏ có cái tên rất “ảnh”: Panorama. Có lẽ do ngày nay có nhiều khách du lịch nên chính quyền địa phương đã tổ chức khu vực cưỡi lạc đà phía trên khu đồi này với giá cả cố định là 50 bảng Ai Cập (khoảng 5-6 bảng Anh) cho 30 phút ngồi trên lưng lạc đà, lững thững ngắm nhìn kim tự tháp. Tại nhiều khu vực du lịch ở Ai Cập, dân địa phương mời chào khách du lịch mua hàng bằng cách đưa những món đồ nhỏ và nói rằng miễn phí cho khách. Nhưng chỉ vài phút sau, họ sẽ quay lại và đề nghị trả tiền. Biết trước điều này nên chúng tôi không dám nói một câu nào với những người bán rong, cứ cắm cúi đi thẳng. Lần đầu tiên cưỡi lạc đà, ở độ cao chông chênh khoảng 2 mét khiến tôi chết khiếp cứ oai oái kêu cho đỡ sợ mà trong đầu cứ nghĩ nếu lỡ tuột tay ngã xuống chắc chỉ có nước gãy cổ.
Khu Giza không chỉ có quần thể kim tự tháp mà còn có tượng nhân sư được nhiều người biết đến. Trên thực tế, tượng nhân sư cũng bị tàn phá khá nhiều, ngày nay đã bị vỡ mất chòm râu và phần mũi cùng nhiều vết sứt sẹo trên thân thể. Tượng nhân sư ngày nay không còn dáng vẻ uy nghi, hùng dũng như trong các bức ảnh có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng Internet, nhưng đây vẫn là một trong những hình ảnh tượng trưng cho thế giới Ai Cập cổ đại và thu hút nhiều khách du lịch.
Ảnh 2: Tượng nhân sư ngày nay
Ngược dòng sông Nile, chuyến tàu đêm kéo dài 10 tiếng đưa chúng tôi đến Luxor với những ngôi đền cổ đại. Luxor là một thành phố du lịch thực thụ với những dãy nhà hàng, khách sạn gần với các công trình kiến trúc thu hút du khách. Trong khi đó, Cairo hiện lên hoang tàn sau cuộc biểu tình lật đổ nhà cầm quyền Hosni Mubarak năm 2011 với tàn dư là những vết cháy xém, loang lổ trên tường các khu nhà hành chính.
Khách sạn Lotus nằm ngay bên dòng sông Nile êm đềm. Đến với Luxor (kinh thành Thebes cổ đại), tôi lại nhớ về những ngày cấp II thường nhịn ăn quà để dành tiền mua truyện “Nữ hoàng Ai Cập” về đọc. Người Ai Cập cổ đại sùng bái hoa sen và chỉ dùng trong các dịp tế lễ. Ngày nay, hoa sen được coi là quốc hoa của Ai Cập và sự sùng bái đối với loài hoa linh thiêng này của người dân chắc chắn không hề suy giảm. Ngày trước đọc truyện, nữ hoàng Asisu xinh đẹp nhưng thủ đoạn thỉnh thoảng tức giận hoàng đế Menfuisu (nhân vật xây dựng trên hình tượng hoàng đế Tutankhamun có thật) đẹp trai, tài hoa, lại kéo quân về khu Giza ở hạ Ai Cập, tôi cứ thắc mắc mãi vì người ta gọi khu Giza ở phía bắc là Hạ Ai Cập và vùng Thebes tuốt phía nam là Thượng Ai Cập. Nguyên nhân là vì trên thực tế, dòng sông Nile không chỉ là dòng sông duy nhất của Ai Cập mà còn là dòng sông chảy từ phía Nam lên phía Bắc, dẫn đến cách gọi “thượng – hạ” khiến tôi từng thắc mắc.
Ảnh 3: Sông Nile nhìn từ khách sạn
Luxor trước đây từng là kinh thành cổ đại của Ai Cập dưới triều vua thứ 11 và 18, ngày nay nơi đây đã bị đô thị hóa và là trung tâm khảo cổ cho Ai Cập học với nhưng di tích nổi tiếng như đền Karnak, đền Luxor, thung lũng các vị vua và đền Hatshepshut, hiện còn nhiều công trình khác đang được khai quật hứa hẹn sẽ mở cửa trong tương lai. Đền Karnak là ngôi đền nổi tiếng nhất ở Luxor vì đây là đền thờ thần Amun – thần của các vị thần. Kiến trúc của đền Karnak và đền Luxor nổi bật với những cột tròn, lớn, nhiều cột cao hơn 20m, được chạm khắc tinh xảo, thể hiện một cách sống động cuộc sống của người Ai Cập cổ đại. Còn gì thú vị hơn khi thỉnh thoảng lại bắt gặp vài sinh viên khảo cổ chăm chú nhìn ngắm những hình ảnh trên tường với nét mặt say mê không giấu giếm.
Ảnh 4: Đền Karnak
Ảnh 5: Đền Luxor
Ngày tiếp theo, chúng tôi đến thung lũng các vị vua, đây là nơi tập trung lăng mộ của các pharaohs huyền thoại, đến nay xác ướp của các pharaohs cũng như những đồ vật có giá trị trong lăng mộ đã bị đánh cắp hết hoặc chuyển vào viện bảo tàng, chỉ còn lại trên tường những hàng chữ tượng hình với màu sắc đã phai nhạt nhiều. Địa điểm cuối cùng chúng tôi đến là đền thờ nữ hoàng Hatshepshut, nữ vương thống trị Ai Cập khoảng thời gian vương triều thứ 18. Ngồi trên những bậc thang đầy gió, nhìn ra phía sông Nile và đền Luxor xa xa, tôi chợt nghĩ không biết bao giờ Ai Cập lại trở thành đế chế hùng mạnh trong khu vực như tôi đọc trong truyện năm nào.
Ảnh 6: Đền Hatshepshut
Ở Ai Cập, thật khó có thể tìm thấy thức ăn địa phương ngon và đặc trưng như ở các vùng du lịch khác. Tôi cùng chiến hữu thường thử một vài món địa phương, cố gắng đọc tên món ăn nhưng không thể nhớ hết bởi những cái tên và ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ. Ở Luxor, tôi thích nhất món bánh mỳ địa phương, phân phối chủ yếu cho các nhà hàng. Trong các bữa ăn của người Ai Cập, bánh mỳ là một thành phần không thể thiếu. Bánh mỳ Ai Cập không có tên gọi riêng, ăn lúc nguội hay lúc nóng đều ngon bởi vị đặc trưng của bột mỳ đen của vùng Bắc Phi này. Ngày cuối cùng ở lại Ai Cập, tôi lại thích món dâu cắt làm tư dầm sirop. Các cửa hàng sinh tố ở Cairo rất “hào phóng” cho nhiều hoa quả trong cốc của du khách, có lẽ vì vậy nên cửa hàng nào cũng nườm nượp khách ra vào.
Ảnh 7: Bánh mỳ không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Ai Cập
Ngày nay, những di tích còn lại ở Ai Cập không còn nguyên vẹn như những hình ảnh thường thấy trong các trang web hay sách hướng dẫn du lịch. Tuy nhiên, đất nước Bắc Phi ấy vẫn thu hút nhiều khách du lịch bởi những chuyến ngược dòng lịch sử đến kim tự tháp hay kinh thành Thebes cổ đại. Và tôi sẽ nhớ mãi những ngôi nhà tường xi măng tưởng chừng đang xây dở nhưng nội thất bên trong hết sức đẹp đẽ, những con người Ai Cập thân thiện luôn nở nụ cười với du khách và những công trình cổ đại mang dấu vết thời gian đã đưa tôi về Ai Cập cổ đại trong 1 tuần ngắn ngủi.
Na Hồ
#ai_cập #kim_tự_tháp #egypt #pyramid #travel
Thảo Nguyên Xanh says
Rất thích đọc những ghi chép từ những chuyến đi như thế này, ghi lại cho mình đọc ké nha bạn.
admin says
Rất chào mừng bạn ^^ Thời gian tới rảnh hơn mình sẽ post thêm ghi chép từ những chuyến đi khác nhé. Cảm ơn bạn đọc ủng hộ 🙂