Lần nào đi Đà Nẵng, tôi cũng ngóng đến lúc tới Hội An, đô thị cổ kính cách thành phố chừng 30km về phía Đông Nam. Nằm bên bờ sông Thu Bồn, Hội An đẹp lặng lẽ, hiền hòa và trầm mặc ghi dấu thời gian trên những bức tường vàng bong tróc, loang lổ và những mái nhà phủ rêu phong đầy cổ kính. Mỗi lần đến Hội An, tôi lại thấy yêu thêm mấy con phố cổ quanh co, lát đá xanh xám, mỗi khi có xích lô đi ngang qua lại vang lên tiếng lộc cộc giữa không gian yên ả và thanh bình.
Ảnh: Hội An (GG)
1. Trước kia, Hội An là thương cảng sầm uất trong suốt thế kỷ 16, 17 với sự gặp gỡ của những thuyền buôn đi lại trong khu vực được mệnh danh là con đường tơ lụa trên biển. Theo thông tin lịch sử, khi đất nước phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài, toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, quân Trịnh tập trung triệt phá những khu vực giao thương khiến người dân ở đây mang theo của cải vào lập nghiệp ở miền Nam, để lại một đô thị điêu tàn, hoang phế. Ngày nay, khu phố cổ là thành quả hồi sinh Hội An từ đống đổ nát, tái hiện lại không gian kiến trúc truyền thống cùng với nhịp sống chậm rãi như một bức tranh hoài cổ.
Phố cổ Hội An nhỏ xíu, tập trung những ngôi nhà một tầng hoặc hai tầng, khung gỗ, tường gạch sơn vàng, xây theo kết cấu chịu lực để chống chọi trước những cơn lũ hàng năm. Tôi nghe nói trước kia không gian nơi đây mang phong cách Nhật Bản, tuy nhiên, trong quá trình khôi phục không gian của Hội An, với sự tham gia xây dựng của người Hoa, dấu vết kiến trúc Nhật đã hoàn toàn biến mất. Mỗi lần đi ngang qua một số công trình tâm linh hoặc nhà thờ họ của tộc Nguyễn, Trần, tôi thấy hơi hướng phương Đông điển hình của Trung Quốc trên những mái cong và cột trụ có ghi câu đối.
Ảnh: Nhà ở phố cổ Hội An (Na Hồ)
2. Hai bên con đường hẹp là những dãy nhà cổ kính lợp ngói âm dương, qua thời gian đã chuyển thành màu đen và xanh rêu đậm, xen lẫn màu đỏ hồng nguyên bản. Ngoài một số nhà cổ được bảo tồn nguyên vẹn, những nhà khác đều mở cửa buôn bán các mặt hàng truyền thống của người dân Hội An như may mặc hay đồ da. Tuy phát triển thương mại nhưng Hội An không mang dáng vẻ xô bồ và ồn ào của tiếng mời chào khách du lịch đi ngang cửa. Buổi sáng, khu phố vắng người qua lại, chỉ có mấy cửa hàng mở sớm còn đang chìm trong những làn khói mờ của bát hương cúng thần linh thổ địa hàng ngày. Dù tôi ghé xem hàng khi vừa mở cửa nhưng thái độ của người bán nào cũng vui vẻ, thân thiện chứ không xua đuổi hay “đốt vía” vì lo sợ một ngày bán hàng đen đủi.
Nhà cửa ở Hội An được xây theo dạng hình ống với chiều ngang hẹp, tôi chỉ thấy được chiều sâu rất dài khi đi về phía sau của mấy quán café theo phong cách hiện đại. Ngồi bên ban công của mấy quán café trên đường Nguyễn Thái Học hay Nguyễn Thị Minh Khai có thể nhìn thấy những dãy nhà nhấp nhô dưới ánh nắng hoàng hôn đang dần xuống, trầm mặc như một bức tranh sơn dầu.
Ảnh: cửa hàng bán tranh (Na Hồ)
Phố cổ Hội An được xem là một trong những nơi được bảo tồn nguyên vẹn nhất trên Thế giới, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa năm 1999. Trong những ngôi nhà cổ, hệ thống cửa và cột trụ bằng gỗ ánh lên màu đen bóng khi ánh nắng chiếu qua khe cửa, rơi trên sàn, lãng đãng như sương như khói. Ngoài hàng triệu lượt du khách hàng năm, có nhiều ekip đã chọn Hội An để chụp ảnh khi muốn có những khung hình đen trắng mang đậm phong cách cổ xưa.
3. Đến Hội An, tôi bị hấp dẫn trước sự đa dạng của chuỗi cửa hàng may mặc, làm đồ da và thủ công mỹ nghệ truyền thống với giá cả vô cùng hợp lý. Trên người ma-nơ-canh đứng bên bậu cửa là những chiếc váy chiffon, maxi thướt tha đủ kiểu dáng và màu sắc. Có một số cửa hàng cung cấp dịch vụ may áo dài lụa lấy ngay cho khách hàng sau vài giờ đồng hồ, thu hút nhiều quý bà ghé qua trong chuyến du lịch của mình. Đôi lần, tôi gặp vài khách Tây hơi quá khổ, tỏ ra vô cùng thích thú khi đặt hàng được chiếc áo dài ưng ý, cứ xoay qua xoay lại trước gương ngắm mãi lúc thử đồ.
Ảnh: Khách Tây ở phố cổ Hội An (Na Hồ)
Xen giữa những cửa hàng may mặc sáng trưng dưới ánh đèn vàng, mấy cửa hàng đồ da khiêm tốn hơn hẳn khi bài trí với gam màu nâu chủ đạo trong ánh sáng mờ. Đi ngang qua các cửa hàng ấy, tôi có thể ngửi thấy mùi da thuộc hơi hôi và nồng được xử lý bằng dầu hắc trong quá trình sản xuất. Không biết bởi lý do gì mà tôi thường chỉ gặp khách hàng nữ chọn mua mấy chiếc túi quai chéo nhỏ xinh, còn mấy sản phẩm bằng da cỡ lớn vẫn nằm trên kệ ngày này qua ngày khác, thỉnh thoảng chủ cửa hàng lại đổi chỗ trưng bày cho đỡ nhàm chán.
4. Ban ngày, Hội An vô cùng yên ả và tĩnh lặng với những dãy hàng quán mở muộn. Tôi đạp xe đi giữa những con phố nhỏ vắng tanh, thoải mái chụp ảnh các bức tường vàng dưới mái ngói phủ rêu đang ngái ngủ, chưa tỉnh giấc dù mặt trời đã lên từ lâu. Thế nhưng khi hoàng hôn vừa tắt trên sông Thu Bồn, hai bên bờ sông bừng sáng bởi những ánh đèn từ các ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, và đặc biệt là khu phố đèn lồng đã trở thành điểm thu hút đặc trưng của Hội An. Có lần tôi đến đúng đợt rằm, khắp nẻo phố cổ nhà nào cũng treo đèn lồng nhiều màu trước cửa, khách du lịch đông nghịt, cứ thong thả đi từ phố này qua phố kia, có lẽ chỉ để tận hưởng không gian êm đềm mang dáng dấp cổ kính.
Những năm gần đây, do sự phát triển du lịch, ngày càng có nhiều chủ thuyền tranh thủ bán thêm đèn hoa đăng làm bằng giấy đủ màu sắc bên bờ sông với giá 10 nghìn 4 chiếc. Mấy em nhỏ chừng tám, chín tuổi cầm nong tre đựng đầy đèn, lẽo đẽo đi theo du khách mời mua, khi không có ai mua hàng lại tiu nghỉu ngồi bệt xuống vỉa hè thắp lên đợt nến mới. Chiều tối, những e-kip chụp ảnh cưới hoàn thành công việc rời đi, để lại đằng sau cả đoạn sông lung linh bởi ánh nến hắt ra từ bên trong những chiếc đèn hoa đăng thả trôi trên sông.
Ảnh: bán đèn hoa đăng bên bờ sông Thu Bồn (Na Hồ)
5. Bên kia bờ sông Thu Bồn, các nhà hàng ăn đều treo đèn lồng tạo nên cả dãy phố sáng lên màu đỏ như các khu Chinatown ở châu Âu. Còn gì lãng mạn hơn khi đặt bữa tối nơi chiếc bàn vuông trải khăn màu kế bên ban công, vừa thưởng thức món ăn yêu thích trong không khí yên bình, vừa được nghe một bản guitar không lời từ nghệ sĩ vô danh bên bờ sông vọng lại. Tôi thường thích ghé vào mấy quán ăn của người dân địa phương trong ngõ để ăn mỳ Quảng, cơm gà hay bánh đập chấm mắm nêm đặc trưng ngon tuyệt. Không được trình bày cầu kỳ, sang trọng, cũng không có những cốc nến nhỏ xíu lấp lánh trên bàn, nhưng những món ăn bình dân ấy của Hội An mỗi khi nhớ đến tôi lại có cảm giác thèm thuồng mãi không thôi.
Tôi thấy Hội An rất hay, như một góc nhỏ có thể chiều lòng hầu hết du khách ghé thăm. Những ai không có thời gian có thể chỉ cần một buổi tối đi bộ xuyên qua các con phố lát đá, hơi dốc về phía bờ sông, lướt qua các gian hàng hai bên đường là đủ để tận hưởng không khí đông đúc nhưng không hề ồn ào. Những người có thời gian hơn thì loanh quanh một ngày bằng xe đạp để thấy sự chuyển mình hoàn toàn của Hội An giữa buổi sáng yên bình và buổi tối sôi nổi. Hay rảnh rỗi hơn nữa thì lựa chọn một quán café có không gian yêu thích, nhâm nhi cốc nâu nóng hoặc sinh tố hoa quả trong lúc đọc sách, đắm mình vào một Thế giới bình yên và cổ kính, hoàn toàn quên đi những bộn bề cuộc sống thường ngày.
Ảnh: Hội An ban đêm (Na Hồ)
6. Mỗi lần tới Đà Nẵng, tôi đều ngạc nhiên trước sự phát triển không ngừng của đô thị lớn này, nhưng tôi còn bất ngờ hơn nữa khi sau bao nhiêu năm quay lại, Hội An dường như vẫn không có nhiều thay đổi. Tôi thích cảm giác ngồi bên tách café bốc khói trong buổi sáng tháng 10, ngắm nhìn thời gian lững thững trôi qua những khung cửa gỗ đã bạc màu. Tôi thích cả những lúc nép vào lề nhường chỗ cho một đoàn xích lô chở khách đi qua như một cuốn phim quay chậm.
Và tôi thích đến những góc nhỏ nhất của khu phố cổ xinh xắn bên bờ sông Thu Bồn.
Hội An, cứ dịu dàng như thế, để níu chân người lữ khách trên bước đường về.
Bài và ảnh: Na Hồ