Mình nghe nói hôm nay, 5/9, học sinh sẽ tham gia khai giảng online rồi sau đó học online cho tới khi dịch bệnh dịu đi, các con lại được tới trường. Không biết nhà khác ra sao, chứ chị Mầm nhà mình là mong tới trường lắm. Hôm trước mình họp phụ huynh online 1 buổi mà Mầm cứ ngóng được học cùng các bạn tận mấy ngày sau, hôm nào cũng “mẹ ơi, hết dịch bệnh là con được đi học hả mẹ?”.
Dịch bệnh cũng đã gần 2 năm, thời gian học online kéo dài nên chắc hẳn bố mẹ và các con cũng quen dần với nhịp này rồi. Nhưng mình thấy thương các em bé vô cùng khi phải dán mắt vào màn hình theo thời khoá biểu trên trường. Nhà nào người lớn có thời gian thì kèm cặp, theo dõi sát sao hơn xíu, hỗ trợ con vượt qua những lúc thấy nản, thấy khó. Nhà nào người lớn bận rộn thì con học online vừa khéo để ông bà bố mẹ khỏi phải trông. Tất nhiên, rồi em bé nào cũng vượt qua thời gian khó khăn này và nhiều kỹ năng mới cũng được hình thành, nhưng mình quan tâm hơn cả là cách bố mẹ cùng con vượt qua thời gian này.
Hôm vừa rồi bên trường chị Mầm có thông báo học online, sáng 2 tiếng, chiều 2 tiếng với chương trình toán, tiếng Việt, tiếng Anh để chuẩn bị năm sau vào lớp 1. Bên trường em Lá cũng có chương trình online để các con làm quen lại với trường lớp và cô giáo. Nhưng mình không đăng ký cho hai em bé, lý do lớn nhất là thời lượng nhìn màn hình trong ngày quá nhiều. Hơn nữa, vì em Lá còn nhỏ, tương tác trực tiếp có lẽ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Tổng thời gian của trường Mầm là 4 tiếng, thêm mấy lần “cho con xem một tí”, trước khi đi ngủ… theo thói quen hàng ngày là hai em bé (nhất là Mầm) sẽ ôm ipad, máy tính chừng 5 giờ đồng hồ. Với mình, như vậy là quá nhiều với em bé 5 tuổi và gần 3 tuổi. Hiện nay mình đang giới hạn cho Mầm và Lá khoảng 1h mỗi ngày, chia làm nhiều lần 8-15 phút. Sự chênh lệch thời lượng này là nhiều, gây áp lực khá lớn lên mắt của hai em bé. Mà mình thì không muốn như vậy.
Thời gian ở nhà dài đằng đẵng này, nhiều người lớn cũng bị áp lực và thấy căng thẳng, huống chi là các em bé. Unicef còn có hẳn mấy bài viết gợi ý cho bố mẹ những cách để giúp chăm sóc sức khoẻ tâm lý cho con trong giai đoạn này. Hoá ra không phải con cứ ngồi yên, hoặc yên tĩnh làm việc của mình là bố mẹ có thể hoàn toàn không phải lo lắng gì, sự yên tâm dẫn đến chủ quan và thiếu quan tâm tới tinh thần của em bé. Những vấn đề nhỏ cứ tích dần lại rồi chẳng thể xử lý khi các em bé lớn dần lên.
Suốt hơn 4 tháng vừa rồi, mình và ox đã sắp xếp lại kế hoạch làm việc, học tập của bản thân để thay nhau dành thời gian cho Mầm – Lá. Đôi lúc hai em bé khóc mếu đòi hỏi, đôi lúc lại bật nhạc cầm mic vừa nhảy vừa hát theo, có khi lại ngoan như mèo bảo “con muốn học một tẹo”, có khi lại túc tắc cùng nhau chơi trò đóng kịch… Cái nọ nối tiếp cái kia, cũng chẳng mấy mà hết ngày. Đôi lúc mình cũng mệt mỏi và sẵn sàng quạu cọ, nhưng rồi mình với ox lại an ủi nhau “ở nhà lâu quá ấy mà”. Chơi chán, hai em bé hoá thành hai chị boss biết “ra lệnh”: “bố hoặc mẹ chơi cùng các con đi”. Thế là mình hoặc ox lại ngừng công việc, buông xuống hết lo lắng và tập trung để chơi hoặc học cùng Mầm và Lá.
Mình thấy điều may mắn nhất là Mầm – Lá chưa đến tuổi bắt buộc phải học online để theo kịp chương trình của trường, các lớp học qua zoom vẫn đang là gợi ý và tự nguyện. Thời gian này có ảnh hưởng tới hai em bé là điều không thể tránh khỏi, và cả nhà mình đang cố gắng để giảm “thiệt hại về tinh thần” tới mức thấp nhất. Rồi mọi thứ cũng sẽ ổn thôi.
KT
2021/09/05
#học_online #lockdown