Mấy hôm nay Hà Nội trở mưa, tôi ngồi trong nhà nghe nhiều lần liên khúc “Tình em – Nhịp cầu nối những bờ vui” trong chương trình “Giai điệu tự hào” do Lê Cát Trọng Lý và Tôn Thất Thái Sơn thể hiện, một bản hòa âm mới mẻ, sâu lắng như không có điểm dừng.
Thời gian gần đây, tôi thích nghe Lê Cát Trọng Lý hát. Chẳng vì lý do gì cả, tự nhiên đến một ngày, tôi thấy thích vô cùng giọng hát mộc mạc, thong thả và vô cùng truyền cảm ấy. Nhạc của Lý, hình như hơi kén người nghe một chút, nhưng khi đã “lỡ” thích thì không muốn dứt ra, cứ muốn nghe đi nghe lại mãi thôi. Lý đâu có hát, là những lời kể chuyện bằng âm nhạc thủ thỉ, da diết, có lẽ vì vậy nên bài nào cũng mang một âm hưởng và không gian riêng hết sức dễ chịu.
Nói về “Giai điệu tự hào” của VTV3, không phải chương trình nào, bài hát nào tôi cũng thích. Song, những bản tình ca bất hủ được phối khí lại, mang đến cái nhìn mới mẻ, dễ dàng tiếp cận với thế hệ tuổi trẻ của chúng tôi. Các bài hát đã ra đời từ rất lâu, khi đất nước còn khó khăn, gian khó, nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được sự lãng mạn, chất thơ qua những câu hát: “có gì đâu em ơi, tình yêu là sự sống, nên nắng hửng trong lòng” hay “anh nối nhớ thương bằng những nhịp cầu”. Có phải hai ca khúc cũ, nhưng được thể hiện bởi ca sỹ trẻ, lại là giọng ca mình thích nên dễ đồng cảm hơn chăng?
Tôi tìm nghe thêm những phiên bản khác. “Tình em” của NSUT Đăng Dương tình cảm nhưng phảng phất đôi chút khí thế hào hùng. “Nhịp cầu nối những bờ vui” của Trung Đức – Thu Hiền lại là một khúc ca trong trẻo, vui vẻ và tràn đầy lạc quan. Nhưng tôi vẫn thích liên khúc của Lý và Sơn nhất, thích phong cách tĩnh lặng, hoàn toàn tách biệt với những vũ công múa phụ họa rất “không liên quan”, thích cách hát chậm rãi, từ tốn, không hề cầu kỳ nhưng lại tình cảm, đi thẳng vào lòng người từ khi tiếng hát bắt đầu cất lên. Có lẽ hơi thiên vị một chút, nhưng tôi cho rằng riêng Lê Cát Trọng Lý đã làm hoàn chỉnh hai bản tình ca này.
Tiết mục kết thúc bằng một nốt guitar rơi vào khoảng không làm tôi cảm thấy hơi hẫng một chút. Sau lại thấy có một chút nuối tiếc, một chút bâng khuâng, cứ muốn bấm nghe lại để tâm hồn thoải mái bước đi trên những nhịp cầu.
Hà Nội, 8/9/2016
NA HỒ