Tôi vô tình mua tập truyện ngắn “Cõng nhau trong một cõi người”của Hoàng Công Danh trong một lần ghé nhà sách. Với tôi, tên tác giả rất lạ, nhưng đọc lướt qua vài trang sách, tôi tự nhiên thấy yêu thích bối cảnh hoàn toàn khác biệt với không gian của các truyện ngắn đã từng đọc. Trên bìa 4, nhà văn Hồ Anh Thái đã nói đây là cuốn sách “gây ấn tượng vương vấn cả khi ta đã gấp sách lại”. Tôi không biết sẽ cảm thấy vấn vương đến mức nào, nhưng bìa sách đậm màu ráng chiều với loại giấy vàng sậm như những cuốn sách ngày xưa khiến tôi không đừng được phải nhấc lên bỏ vô giỏ.
Xuyên suốt tập truyện gần như chỉ có hai nhân vật chính là thầy và điệu Sanh, thỉnh thoảng lại thấy thấp thoáng hình dáng của chị bán vải thường xuyên lui tới cửa thiền, của những con người trần tục, của điệu Năng dù tu tập nhưng vẫn bị cám dỗ bởi thế giới bên ngoài. Mỗi truyện ngắn như một miếng ghép, tưởng chừng riêng biệt, nhưng lại góp phần tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh, như một cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng, bình lặng, để rồi khi đọc hết, đúng là cứ có cảm giác lưu luyến mãi không thôi.
Hoàng Công Danh kể chuyện rất tài tình, tôi không hề thấy một chút nào miễn cưỡng hay gượng ép trong từng câu chữ. Đọc hết một trang rồi lại cứ muốn lật tiếp những trang khác để thấy ngóc ngách nào cũng tràn đầy tình yêu thương, những lo lắng và lấn cấn với cuộc đời không có chút gì trách móc, than thở. Có mấy chỗ, tôi không thích, thậm chí có phần bực bội bởi những phút xao động trong suy nghĩ của sư thầy và chị bán vải. Nhưng cái kết của tập truyện lại là một đáp án hoàn chỉnh cho số phận những nhân vật đã xuất hiện, mỗi người có một bước ngoặt, mà thật ra “lối vào chốn này thực chất là lối ra của chốn kia mà thôi”.
Những phút đầu tiên điệu Sanh xuất hiện ở phần cuối tập truyện, như một người xa lạ, bị những bộn bề cuộc sống cuốn đi. Song, cứ kiên nhẫn đọc đến trang sách cuối cùng, tôi tin rằng ai cũng sẽ chững lại trước vài chi tiết, mà chỉ cần một chút yếu lòng, nước mắt sẽ rơi.
Tôi thấy rất ít truyện ngắn có bối cảnh từ các ngôi chùa, nhất là tác phẩm của những cây bút trẻ. Có lần tôi bắt gặp trong tuyển tập Nguyễn Tuân có câu chuyện về một người trong làng, đam mê thú uống trà, cứ nhất thiết bắt gia nhân phải lên chùa quẩy cho được gánh nước pha trà mới ngon. Dù vậy, khung cảnh chùa chiền cũng chỉ thoáng qua, suy nghĩ của sư thầy cũng lướt nhanh, chỉ tập trung vào thú vui của người kia, để đến khi sa cơ lỡ vận, còn lại là những toan tính khi bày bán mấy chiếc ấm tử sa nơi chợ phiên.
“Cõng nhau trong một cõi người” bao phủ bởi không khí Phật giáo giản dị và sâu sắc. Không cần cao trào, mâu thuẫn hay căng thẳng, nhưng sao tôi cứ thấy bâng khuâng mãi thế này?
Hà Nội 6/5/2015
Na Hồ