Mầm, Lá của mẹ,
Đôi lúc, chắc hẳn các con thấy thật uất ức, giận dỗi và tức giận khi những đòi hỏi của mình không được bố mẹ chiều theo. Nhưng các con biết không, trong cuộc sống này, không ai có thể chạy mãi theo những yêu cầu của mình, cũng như không phải mong muốn nào cũng được đáp ứng. Nếu như bố mẹ không kiên nhẫn chỉ dẫn cho các con, sau này bước ra cuộc sống, các con sẽ gặp phải những bài học đắt giá. Mẹ tin rằng những em bé lớn lên trong kỷ luật nhưng không thiếu phần yêu thương sẽ đủ vững vàng về sau.
Lớn lên chút xíu nữa, các con có nhớ những lần khóc vật ra ăn vạ, giãy giụa, tay đập chân đạp, nước mắt lưng tròng… mỗi khi có điều không vừa ý lúc nhỏ không nhỉ? Những lần như vậy, phần nhiều là bố mẹ rất “cứng”, các con chẳng mấy khi được như ý. Rồi cơn khóc lóc qua đi, các con không được xem tivi, không được ăn bánh kẹo, không được mua đồ chơi… có vẻ cũng không sao lắm. Lại có những hoạt động và niềm vui khác hấp dẫn sự chú ý của hai chị em. Có lúc các con khóc dữ quá, đa phần rơi vào mấy cơn buồn ngủ díp cả mắt, mẹ cũng thương lắm, cũng muốn chùn bước lại để thoả hiệp chút xíu. Nhưng, mẹ lại biết rằng chỉ cần mẹ xuống nước lần một, rồi sẽ có lần hai, lần ba…, lần thứ n. Chỉ cần mẹ thoả hiệp, các con sẽ không nhận ra đâu là giới hạn của những đòi hỏi vô lý. Con khóc, mẹ đau. Tuy nhiên, mẹ không quay lưng đi, bỏ lại con “khóc chán thì thôi”. Mẹ đã ngồi bên cạnh, đợi cơn khóc của con qua lúc đỉnh điểm để ngồi lại vỗ về, thủ thỉ, để cho con biết mẹ đang thấy thế nào, đang cố gắng ra sao, để cùng con gọi tên cảm xúc của mình và để con thấy vài lý do mà đòi hỏi của con chẳng thuyết phục chút xíu nào cả.
Các con có còn nhớ những lúc mình phải vượt lên cơn lười biếng và ham chơi để ngồi học và luyện tập hay không. Có nhiều lúc mẹ sốt ruột lắm chứ, vì mẹ đã gác lại tất cả công việc và thú vui của bản thân để ngồi kèm con lò dò tập những phím đàn, tô những nét chữ đầu tiên. Mẹ không cho các con học vì cần thể hiện, vì phải bằng nhà nọ nhà kia, mẹ để hai con tiếp xúc với nhiều môn ngoại khoá và chương trình học để bản thân con tự tìm được niềm vui và động lực. Biết đâu các con lại thấy mình đặc biệt yêu thích môn nào đó và chính những tháng ngày luyện tập này lại trở thành thế mạnh của con thì sao. Trước đây mẹ có một người bạn, chú ấy chơi đàn piano rất hay và tình cảm. Rồi trong những câu chuyện phiếm hàng ngày, chú ấy mới cho mẹ biết là trước đây, khi bố mẹ ép luyện tập chú đã rất chán nản, nhưng càng về sau chú ấy lại càng thấy niềm vui mỗi khi tập được một bài nhạc mới, niềm vui nho nhỏ ấy đã xoa dịu áp lực của cuộc sống khi lớn lên sau này.
Các con biết không, mẹ hoàn toàn có thể mặc kệ các con thoả sức vui chơi, xem phim nọ kia cho qua những tháng ngày còn nhỏ. Mẹ cũng có thể gửi hẳn các con cho ông bà để được rảnh rang, các con sẽ được tự do hơn nhiều khi ở cùng bố mẹ. Lúc ấy, các con sẽ thấy rất thoải mái và bản thân được chiều chuộng vô cùng. Nhưng mẹ đã lựa chọn để các con ở bên cạnh bố mẹ khi còn nhỏ, dù có vô vàn những khó khăn, mệt mỏi, mẹ không muốn khi lớn lên, các con sẽ nuối tiếc và nói hai chữ “giá như” khi nhớ về những ngày còn nhỏ chỉ biết chơi đùa. Bây giờ, cuộc sống cạnh tranh hơn nhiều so với thời mẹ còn nhỏ, còn trẻ. Mẹ tin rằng những kiến thức, kỹ năng chúng mình học được, chẳng có gì uổng phí cả, nhất là những kỹ năng phải rèn luyện qua thời gian.
Hai em bé của mẹ, mỗi ngày mẹ đều rất cứng rắn trong suốt quá trình nuôi dạy các con, đôi khi mẹ cũng cảm thấy mình hơi nghiêm khắc quá so với độ tuổi của con. Nhưng mẹ nghĩ rằng mình vẫn biết cách thủ thỉ tâm sự, nói lời yêu thương và ôm lấy các con. Lớn lên chút nữa, các con sẽ biết dù mẹ dạy con bằng kỷ luật thép, nhưng trái tim của mẹ vẫn mềm.
Nhớ nhé em bé của mẹ,
Con lớn lên từ yêu thương đấy!
Khả Tuệ
2021.03.08
#haiembe #nuoidaycon #parenting #raisingchild